Khám phá sự độc đáo của kiến trúc Mỹ Latin
Sự đa dạng và độc đáo của kiến trúc Mỹ Latin là tổng hợp của nền văn hoá bản địa, hoà nhập các giá trị từ thực dân Tây Ban Nha và người nô lệ Châu Phi. Có thể chia kiến trúc Mỹ Latin thành các giai đoạn chính: tiền thuộc địa, thuộc địa, độc lập và hiện đại.
1. Giai đoạn độc lập: Phong cách Pháp thống trị
Di sản Aleijadinho để lại cho kiến trúc Brazil là cách xử lý các công trình linh hoạt hơn, mềm mại hơn và gợi cảm hơn. Thế nhưng, đến thế kỷ 19, giai đoạn độc lập, các quốc gia Mỹ Latin lại theo đuổi những cảm hứng thiết kế đến từ Pháp. Bởi lẽ, lúc này phong cách Pháp đang thống trị toàn Châu Âu nên Mỹ Latin cũng không phải là ngoại lệ.
Tuy các quốc gia Mỹ Latin tuyên bố nền độc lập vào những năm 1820 nhưng vẫn phụ thuộc nặng nề (đặc biệt về mặt kinh tế) vào Anh, Pháp. Do đó, các thành phố lớn ở Mỹ Latin như Buenos Aires (Argentina), Rio de Janeiro (Brazil) bỗng chốc biến thành một “Paris thu nhỏ” với đại lộ, viện bảo tàng và nhà hát. Đại diện điển hình là nhà hát Teatro Municipal (Municipal Theater) được thiết kế bởi kiến trúc sư Oliveira Passos, hoàn thành vào năm 1910.
Vẻ đẹp nguy nga và lộng lẫy của nhà hát Teatro Municipal “rất Paris” giữa lòng Rio de Janeiro
2. Giai đoạn hiện đại: Mở lối đi riêng
Đến những năm 1920, các quốc gia Mỹ Latin bắt đầu chối từ những giá trị Châu Âu để tìm kiếm bản sắc riêng. Để làm được điều này, phải kể đến những giúp đỡ và đóng góp to lớn của kiến trúc sư nổi tiếng người Thuỵ Sỹ Le Corbusier.
Trong chuyến du lịch đến Nam Mỹ vào 1929 – 1936, Le Corbusier khuyến khích kiến trúc sư bản địa gạt bỏ những ảnh hưởng Châu Âu đã ăn sâu vào tâm trí, thay bằng phong cách gợi cảm, mềm mại vốn được phát minh bởi Aleijadinho. Ông cũng hướng dẫn cho người dân sử dụng bê tông cốt thép và đề xuất nhiều quy hoạch độc đáo cho thành phố.
Một trong những công trình hiện đại đầu tiên, tiếp thu tư tưởng của Le Corbusier là Trụ sở của Bộ Giáo dục và Y tế (1936-1943) thiết kế bởi nhiều kiến trúc sư Brazil. Kiến trúc sư chính của công trình, Oscar Niemeyer, ứng dụng bê tông một cách linh hoạt và phong cách trang trí nội thất azulejos đặc sắc một thời. Toà nhà còn có khu vườn trên mái thiết kế bởi Roberto Burle Marx.
Có thể nói, Oscar Niemeyer đã góp phần mở ra một chương mới cho kiến trúc Mỹ Latin hiện đại, xây dựng nhiều công trình quan trọng cho thủ đô Rio de Janeiro.
Trụ sở của Bộ giáo dục và Y tế ở Rio de Janeiro, mở ra chương mới cho kiến trúc Mỹ Latin hiện đại
Không gian xanh của khu vườn trên mái nhà của trụ sở
Không chỉ riêng Brazil, mà các quốc gia Mỹ Latin khác cũng thoát khỏi “cái bóng” kiến trúc Châu Âu, để xây dựng phong cách riêng.
Kiến trúc sư Venezuela cũng bắt đầu sử dụng bê tông cốt thép và cho ra đời những công trình đặc sắc. Gồm: Đại học Venezuela (đặc biệt là sân vận động của trường) xây dựng vào 1950-1952, Nhà hát Aula Magna (còn gọi là Main Auditorium) xây dựng vào 1952.
Phong cách thiết kế nội thất độc đáo của Thính phòng Aula Magna
Ở Mexico, kiến trúc sư Felix Candela dùng bê tông cốt thép theo một cách khác, tạo hình uyển chuyển và uốn cong hơn. Tiêu biểu là mái hiên Cosmic Ray Pavilion thuộc trường đại học National Autonomous University of Mexico (1951). Cũng trong khuôn viên trường đại học này, Juan O`Gorman tiếp cận theo hướng kết hợp bê tông và đá khảm mosaics qua công trình Thư viện quốc gia (1952-1953). Có thể nói, thế hệ kiến trúc sư trẻ Mỹ Latin dần bắt kịp xu hướng Đương đại (Contemporary), biết kết hợp khối hình học hiện đại, mạnh mẽ và các yếu tố nghệ thuật như hoạ, thơ, nhạc, nước.
Cosmic Ray Pavilion – Mái hiên thuộc khuôn viên Đại học Mexico
National Library – Thư viện đá khảm độc đáo, tái hiện các giá trị lịch sử của Mexico
Barragn`s house – một đại diện khác cho kiến trúc hiện đại Mỹ Latin
Tựu chung lại, từ thế kỷ 20, kiến trúc Mỹ Latin chứng kiến sự “chuyển mình” đầy ngoạn mục, là kết tinh của xu hướng hiện đại thịnh hành và bản sắc truyền thống vốn có. Tất cả, tạo nên một mảng ghép đặc biệt, đóng góp vào bức tranh kiến trúc thế giới muôn màu, muôn vẻ.
Nguồn: Cafekientruc
0 nhận xét: